Bước đột phá về thu hồi nợ và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ

15/06/2023 15:30


Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VBSP

Bức tranh tín dụng chính sách nhiều điểm sáng

Năm 2003, năm tổng kết giai đoạn 2 (2021 - 2023) thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách xã hội (CCNCCLHĐ, CLTD), ngay từ những tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của HĐQT NHCSXH, Tổng Giám đốc NHCSXH thực hiện tốt công tác này, đồng thời, đề ra biện pháp mới trong việc thu hồi nợ, bảo toàn nguồn vốn của Chính phủ và địa phương để tiếp tục tạo nền tảng phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, chất lượng hoạt động tín dụng tại khu vực Tây Nam Bộ chuyển biến tích cực. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương ở 5 tỉnh đạt hơn 1.211 tỷ đồng, tăng hơn 146 tỷ đồng so với 31/12/2022. Trong đó, Kiên Giang tăng 51,4 tỷ đồng, Bạc Liêu tăng 37,2 tỷ đồng, Cà Mau tăng 26,1 tỷ đồng, An Giang tăng 18,6 tỷ đồng, Sóc Trăng tăng 12,9 tỷ đồng.

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho gần 23.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hỗ trợ, tạo việc làm cho 13.358 lao động, 216 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 2.010 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho 42 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; xây dựng 76.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 166 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng theo Nghị định 100; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 80 khách hàng là hộ DTTS vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tỉ lệ thu lãi 5 tháng đầu năm 2023 của các chương trình cho vay giải ngân từ khi thực hiện phương án, đề án đạt tỉ lệ cao (An Giang 107,69%; Kiên Giang 101,91%; Cà Mau 100,51%; Bạc Liêu đạt 99,58%; Sóc Trăng 99,35%).


Các đại biểu dự Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác thu hồi nợ và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ - Ảnh: VBSP

Hóa giải vấn đề nợ quá hạn

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận, các đơn vị đều chưa đạt đủ các chỉ tiêu định hướng, cần tiếp tục thực hiện. Đó là còn nhiều xã có tỉ lệ nợ quá hạn hơn 2%,… Tỉ lệ nợ khoanh của 5 chi nhánh còn cao so với bình quân chung toàn quốc (0,46%). Trong đó, việc hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú là vấn đề vãn chưa giải quyết được rốt ráo thời gian qua.

Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo CCNCCLHĐ, CLTD đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, nhận diện, phê duyệt đối tượng cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi nhánh NHCSXH tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp.

Đặc biệt, sau khi cứu xây dựng phương án rà soát và xử lý hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú tại một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các bộ ngành mở rộng phạm vi rà soát diện đối tượng này bằng việc thông qua kết nối cơ sở dữ liệu dân cư.

Ban Chỉ đạo cùng với chi nhánh NHCSXH các tỉnh đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thu hồi nợ mới với các hộ bỏ đi khỏi địa phương. Đáng chú ý là giải pháp ủy thác cho NHCSXH tại địa phương người vay chuyển đến thu nợ hộ chi nhánh NHCSXH tỉnh nơi cho vay. Cụ thể là 5 chi nhánh NHCSXH các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ đã thống nhất chuyển giao việc thu hồi nợ của các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú cho chi nhánh NHCSXH các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - nơi hộ vay chuyển đến sinh sống, làm việc.

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu nhất trí việc chuyển giao này sẽ góp phần tăng khả năng thu nợ và giảm chi phí thu hồi nợ đối với các hộ dân bỏ đi khỏi nơi cư trú. Thực tế này cũng đã được minh chứng trong việc thí điểm ở khu vực Tây Nam Bộ và cả TPHCM.

Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị liên quan trong xử lý nợ quá hạn, nhất là việc thu hồi nợ với đối tượng vay bỏ đi khỏi nơi cư trú để công tác thu nợ hiệu quả hơn với đối tượng này, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị cần chủ động hơn nữa. Trong đó, thành viên Ban Chỉ đạo tại Trung ương chủ động nắm bắt tình hình tại các địa phương; kết nối với các cơ quan liên quan để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ chi nhánh trong việc rà soát, quản lý, xử lý nợ đối với khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú; hoàn thiện văn bản về hướng dẫn xử lý nợ đối với hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú.

NHCSXH nơi cho vay và NHCSXH nơi hộ được đề nghị hỗ trợ rà soát thường xuyên hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, hộ vay đến cư trú tại địa phương để nắm bắt thông tin; Chủ động nhập thông tin hộ vay chính xác lên hệ thống thông tin báo cáo làm cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, báo cáo kịp thời chính quyền địa phương các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú đến cư trú tại địa phương để hỗ trợ trong việc quản lư và xử lư nợ theo từng trường hợp cụ thể.

Tổng Giám đốc NHCSXH cũng nhấn mạnh trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023 cần tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023 theo phương án, đề án đã phê duyệt. Trong đó, thường xuyên phân tích, đánh giá kết quả việc triển khai các giải pháp thực hiện củng cố, nâng cao chất luwpwngj tín dụng trong năm 2023 để tiếp tục nâng cao chất lượng cho vay, tổ chức giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng, đảm bảo 100% khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay đều được đáp ứng vốn phù hợp với phương án đầu tư…

Bên cạnh đó, các đơn vị nâng cao chất lượng thu hồi nợ thông qua việc thường xuyên theo dõi, đánh giá các món vay 3 tháng trở lên không hoạt động, nợ quá hạn, nợ khoanh; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là nợ khoanh đến hạn; tiếp tục đôn đốc hộ vay tham gia gửi tiền gửi tổ viên hằng tháng, trả nợ theo phân kỳ để giảm áp lực trả nợ khi đến hạn.

Bên cạnh đó, các chi nhánh NHCSXH các tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng, kiểm tra giám sát; tổ chức triển khai các giải pháp quản lý, xử lý nợ theo từng nhóm nợ, nhất là nhóm nợ khoanh.

Các đơn vị tiếp tục củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình thực tế để  kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

theo NHCSXH


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp