Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về bất cập trong thực thi chính sách VH-TT&DL

19/03/2022 08:41

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 863/BVHTTDL-PC gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL).

Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về bất cập trong thực thi chính sách VH-TT&DL
Tăng cường thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Trong thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch đã được các cơ quan, đơn vị, các Sở quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển VH-TT&DL trong tình hình mới, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Các điều kiện thi hành pháp luật chưa được đảm bảo; ý thức chấp hành pháp luật có lúc, có chỗ chưa nghiêm, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Để tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật về VH-TT&DL, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở VH-TT&DL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động chuyên môn và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về VH-TT&DL, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu trong tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để có đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về VH-TT&DL.

Chủ động, kịp thời rà soát văn bản quy phạm pháp luật về VH-TT&DL để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật, gây cản trở sự phát triển.

Theo Theo Báo điện tử Chính phủ / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp