Thanh Hóa: Tín dụng chính sách giúp 321.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo

22/09/2022 14:11

(Chinhphu.vn) - Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau 20 năm đạt được kết quả rất quan trọng. Nguồn lực này góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hóa: Tín dụng chính sách giúp 321.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo - Ảnh 1.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận Bằng khen của Chủ tịch UBMD tỉnh - Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thanh Hóa

Nguồn lực quan trọng với các hộ nghèo

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo.

Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Chi nhánh NHCSXH Thanh Hóa đã cho vay 22 chương trình. Nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó dành ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/8/2022 đạt gần 11.900 tỷ đồng, tăng hơn 11.461 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (2003) với hơn 246.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ.

Từ nguồn  vốn này, hơn 321.000 hộ vượt đã qua ngưỡng nghèo, gần 91.000 lao động được tạo việc làm; hơn 11.300 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn, giúp hơn 448.300 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Cũng từ nguồn vốn này, gần 637.000 công trình nước sạch- vệ sinh nông thôn và  hơn 40.500 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có gần 2.600 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt cùng hơn 1.000 căn nhà ở xã hội được xây dựng.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách.

Cụ thể, các cấp chính quyền đã cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quan tâm bố trí địa điểm và bảo đảm an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 100% các điểm giao dịch cấp xã, đồn thời chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn…

Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh đã làm tốt công tác điều hành, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH. Trong đó, xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, phương thức cho vay được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới gồm 559 điểm giao dịch cấp xã và 6.610 tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các địa bàn, đã giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Vốn tín dụng chinh sách đóng góp tích cực trong giảm tỉ lệ hộ nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đại diện NHCSXH Việt Nam đề nghị các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng chính sách. Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và các địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống NHCSXH tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Các hội đoàn thể nhận ủy thác phải thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các công đoạn mà NHCSXH tỉnh đã ủy thác, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ Tiết kiệm và Vay vốn bảo đảm hiệu quả bền vững.

HĐND và UBND cấp huyện, cần quan tâm thêm đến việc bố trí ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm, xem đây là một trong những giải pháp thực hiện công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo của địa phương.

Hội nghị cũng đã thống nhất đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo đó, tiếp tục lồng ghép các mục tiêu hoạt động tín dụng chính sách vào các kế hoạch hoạt động của ngành, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hằng năm, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao. Tỉ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%/tổng dư nợ; nguồn vốn ngân sách địa phương được bổ sung hàng năm từ 60 tỷ đồng trở lên. Đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH trong thời kỳ mới./.


Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp