Hải Phòng: Đầu tư an sinh xã hội đi trước so với phát triển kinh tế

14/09/2022 11:58

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng "Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế", hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn luôn được quan tâm, chỉ đạo. Nhờ đó, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn giá rẻ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Hải Phòng: Đầu tư an sinh xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế - Ảnh 1.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng trao Bằng khen của UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai tín dụng chính sách - Ảnh: Haiphong.gor.vn

Hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát triển, nguồn vốn tăng mạnh

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, UBND TP. Hải Phòng cho biết 20 năm qua (2002-2022), hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) tại Hải Phòng không ngừng phát triển và ngày càng ổn định.

Nguồn vốn phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là các đối tượng dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thương mại.

Thông qua đó, nhiều việc làm được tạo thêm, sức sản xuất hàng hóa được nâng cao, đời sống người nghèo được cải thiện, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương...

Quy mô nguồn vốn ngày càng mở rộng nhờ huy động được tối đa mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người nghèo.

Với nguồn vốn ban đầu chủ yếu của Nhà nước, đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm đến việc chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay các chương trình TDCS.

Từ 4 chương trình tín dụng nhận bàn giao cuối năm 2002, đến nay, Chi nhánh NHCSXH TP. Hải Phòng đã triển khai hiệu quả 17 chương trình tín dụng ưu đãi.

Tính đến ngày 31/8/2022, tổng nguồn vốn ưu đãi đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 24 lần so với năm 2003 (năm NHCSXH Hải Phòng thành lập); chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh đến này là 6,1 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 0,16%; nợ xấu giảm từ 1,7% (năm 2003) xuống còn 0,16%.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã đến tay hơn 902.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Có thể thấy, hoạt động TDCS của Thành phố đã và đang giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Qu đó, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị trên địa bàn.

Tín dụng chính sách từ Nghị định số 78 đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tách tín dụng ưu đãi không vì mục tiêu lợi nhuận ra khỏi tín dụng thương mại nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như hỗ trợ các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp và phát triển lực lượng hội viên.

Tiếp tục đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết những năm qua, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng "Đầu tư cho công tác an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế", hoạt động TDCS luôn được Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH Thành phố quan tâm. Cùng với đó là sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quan tâm sâu sát.

Vì vậy, từ nay đến năm 2030, Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, việc cho vay phải đúng và không bỏ sót đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách. 

NHCSXH TP. Hải Phòng tiếp tục tham mưu UBND Thành phố xây dựng cơ chế chính sách phục vụ giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải gắn với TDCS. Trên có sở đó bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương cho NHCSXH năm sau cao hơn năm trước, cùng với nguồn lực từ Trung ương để góp phần tăng trưởng nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn.

Chi nhánh NHCSXH Hải Phòng tiếp tục hối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân đề nghị NHCSXH Thành phố kiến nghị NHNN, NHCSXH Trung ương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng là hộ có mức sống trung bình được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; bổ sung đối tượng cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đối với địa bàn thị trấn…


Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp