Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội

04/08/2022 18:43

(Chinhphu.vn) – Kinh doanh tạo tác động xã hội hiện nay không chỉ là xu hướng trên toàn cầu mà cả ở Việt Nam. Chương trình "Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội" vừa chính thức được khởi động nhằm phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái này tại nước ta.

Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội - Ảnh 1.
Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ tại Hội thảo khởi động chương trình "Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (Dự án ISEE-COVID) được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada, đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và Trường Đại học Ngoại thương.

Dự án nhằm mục tiêu: Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...; nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ các chuyên gia, cố vấn là điều kiện tiên quyết

Tại Hội thảo khởi động chương trình "Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội" tổ chức vào chiều 4/8, các chuyên gia đều cho rằng, hiện nay, kinh doanh tạo tác động xã hội hướng tới nhóm yếu thế, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ làm chủ và những người có thu nhập thấp... ngày càng được đặt biệt quan tâm và nỗ lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley, SIB đang chiếm tỉ lệ lớn, khoảng 22.000 doanh nghiệp trên tổng số 638.000 doanh nghiệp, trong đó 89% doanh nghiệp tác động xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 72% có doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm.

Ngoài vốn, đầu ra của sản phẩm, SIB tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Do vậy, yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của kinh doanh tạo tác động xã hội chính là đội ngũ những chuyên gia, cố vấn.

Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tich Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho hay, cần có một hệ sinh thái toàn diện, phát triển năng lực của SIB để hỗ trợ đánh giá và mở rộng thị trường, cũng như cung cấp các nguồn tài trợ và đầu tư. Trong đó, các tổ chức hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với các SIB. Mặc dù có nhu cầu rất cao từ phía các SIB, các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB trong hệ sinh thái phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể hoàn thành được vai trò của mình.

Theo các chuyên gia, hiện nay, cả nước có 82 cơ sở ươm tạo và cơ sở thúc đẩy cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và 61 tổ chức đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong số đó, rất ít tổ chức tập trung hỗ trợ SIB và chưa có công cụ hiệu quả để đo lường tác động của SIB đối với xã hội.

Ngoài ra, hầu hết các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB là các tổ chức phi lợi nhuận, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ nên thiếu nguồn vốn và có mô hình tài chính chưa bền vững để thực hiện các mục tiêu của mình. Để phát triển hệ sinh thái SIB, xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ các chuyên gia, cố vấn là điều kiện tiên quyết.

Chia sẻ về chính sách để phát triển hệ sinh thái SIB tại Việt Nam, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, mặc dù trong các văn bản pháp luật chưa có khái niệm rõ ràng về SIB, nhưng có thể hiểu SIB khác với các mô hình doanh nghiệp thông thường là bên cạnh phát triển kinh doanh, họ luôn có mục tiêu song hành là đem đến những tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội. Do vậy, không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, mô hình SIB là mô hình kinh doanh bền vững và Chính phủ đang hỗ trợ, khuyến khích.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp, liên tiếp có những quyết sách, giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 tác động khôn lường. Có thể kể đến các chương trình phục hồi, gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%, giảm thuế, miễn thuế, giảm giá xăng dầu... Đồng thời, Chính phủ dành nguồn lực, kinh phí kể cả Trung ương, địa phương để hỗ trợ các star-up về mặt chuyên gia, cố vấn, hay như Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ KH&ĐT) có chính sách hỗ trợ khoản vay cho các start-up chỉ 2% trong ngắn hạn, 4% trong trung và dài hạn…

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thu Thủy, để những chính sách thực sự tác động tới doanh nghiệp cần cả một hệ sinh thái. Hệ sinh thái gồm các chuyên gia, cố vấn, đây chính là đội ngũ chuyển tải chính sách đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu đội ngũ này.

Do đó, trong thời gian tới, cần sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa nguồn lực Chính phủ, nhà tài trợ và các thành phần trong hệ sinh thái. Có như thế doanh nghiệp mới được hưởng lợi, chính sách mới thành công.

PGS.TS. Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho biết, chương trình "Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội" nhằm nâng cao năng lực thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội dành cho các chuyên gia và cố vấn, được triển khai bởi Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo (Đại học Ngoại thương).

Với kinh nghiệm đào tạo và thúc đẩy các hạt nhân sáng tạo mà nhà trường đã triển khai trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm và các tổ chức đồng hành, chương trình sẽ góp phần lan tỏa những giá trị mà kinh doanh tạo tác động xã hội mang lại tới mỗi chủ thể của hệ sinh thái để cùng hướng tới sự phát triển bền vững.


Theo Hoàng Giang / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp